Tổng quan

TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHỆ VÀ NÔNG LÂM PHÚ THỌ 45 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

TRƯỜNG CAO ĐẲNG CÔNG NGHỆ VÀ NÔNG LÂM PHÚ THỌ 45 NĂM XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Phú Thọ ngày nay, tiền thân đầu tiên là Trường CNKT Lâm nghiệp khu Giấy sợi được thành lập ngày 01/10/1974. Trên chặng đường 45 năm sắp đi qua, bao thế hệ thầy và trò nhà trường đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, thách thức, không ngừng phấn đấu vươn lên khẳng định thương hiệu, uy tín hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo nghề nông nghiệp của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Hướng tói kỷ niệm truyền thống 45 năm thành lập trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu trân trọng giới thiệu quá trình hình thành, phát triển, thành tích của nhà trường trong 40 năm qua và mục tiêu, định hướng phát triển trong thời gian tới.

Trường Cao đẳng Công nghệ và Nông lâm Phú Thọ ngày nay, tiền thân đầu tiên là Trường  CNKT Lâm nghiệp khu Giấy sợi được thành lập ngày 01/10/1974. Trên chặng đường 45 năm sắp đi qua, bao thế hệ thầy và trò nhà trường đã nỗ lực vượt mọi khó khăn, thách thức, không ngừng phấn đấu vươn lên khẳng định thương hiệu, uy tín hàng đầu trong lĩnh vực đào tạo nghề nông nghiệp của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ. Hướng tới kỷ niệm truyền thống 45 năm thành lập trường, Đảng ủy, Ban Giám hiệu trân trọng giới thiệu quá trình hình thành, phát triển, thành tích của  nhà trường trong 45 năm qua và mục tiêu, định hướng phát triển trong thời gian tới.
1. Quá trình hình thành và phát triển
Cách đây gần 45 năm, ngày 01 tháng 10 năm 1974 Trường CNKT Lâm nghiệp khu Giấy sợi được thành lập theo Quyết định số 1331/QĐ-TC của Tổng cục Lâm nghiệp. Từ ngày đầu thành lập đến nay, nhà trường đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển với các tên gọi khác nhau.
–  Giai đoạn từ năm 1974 đến năm 1985
Vào những năm cuối của cuộc kháng chiến chống Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Chính phủ Vương quốc Thụy Điển đã có chủ trương giúp Việt Nam xây dựng nhà máy giấy và bột tại tỉnh Vĩnh Phú để phục vụ cho sự nghiệp giáo dục. Xenluylô là nguyên liệu chính để sản xuất giấy, cho nên cần phải có trường  đào tạo công nhân kỹ thuật trồng rừng làm nguyên liệu giấy.
Tháng 5 năm 1973 Tổng cục Lâm nghiệp đã cử những cán bộ đầu tiên về tỉnh Vĩnh Phú để tìm địa điểm xây dựng trường, đến tháng 5 năm 1974 UBND tỉnh Vĩnh Phú đã đồng ý cho nhà trường được xây dựng trên khu đất tại xóm Xuân Vân, khu 2, xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ, diện tích 5,7 ha, khuôn viên của kho lương thực, thực phẩm thời kỳ sơ tán. Ngày 01/10/1974 Tổng cục Lâm nghiệp ban hành Quyết định số 1331/QĐ-TC thành lập Trường Công nhân kỹ thuật Lâm nghiệp khu Giấy sợi. Cán bộ khung của nhà trường được điều động về ban đầu phải ở nhờ Công ty phân phối lâm sản, tại thị xã Phú Thọ. Từ năm 1975 nhà trường bắt đầu xây dựng và  đào tạo tại địa điểm xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ. Tháng 9 năm1975 nhà trường bắt đầu đào tạo khóa 1 công nhân kỹ thuật trồng rừng với 48 học sinh. Hiệu trưởng đầu tiên của nhà trường là đồng chí Lê Đình Nhân.
Nhiệm vụ của nhà trường là đào tạo công nhân trồng rừng, khai thác gỗ, vận tải lâm sản. Đặc điểm của giai đoạn này là trường mới được thành lập trong tình hình đất nước còn nhiều khó khăn, cơ sở vật chất nghèo nàn, thiếu thốn, các công trình xây dựng đều là tranh tre, nứa lá, đội ngũ cán bộ, giáo viên ít, hoạt động đào tạo của nhà trường gắn liền với các hoạt động sản xuất lâm nghiệp và sự hình thành của vùng nguyên liệu giấy.
Do yêu cầu của thực tiễn sản xuất, nhiệm vụ của nhà trường được điều chỉnh mở rộng để phục vụ cho ngành, tháng 10 năm 1978  nhà trường được Bộ Lâm nghiệp cho đổi tên thành Trường CNKT Lâm nghiệp TW IV. Cũng trong năm 1978 nhà trường được Bộ Lâm nghiệp giao nhiệm vụ phối hợp đào tạo với chuyên gia nước ngoài trong Công trình Lâm nghiệp; bộ phận đào tạo Hàm Yên tại Tuyên Quang được thành lập để đào tạo, bồi dưỡng công nhân sửa chữa ô tô, máy kéo; máy xúc, ủi, nâng hạ, bốc xếp gỗ, ô tô vận chuyển gỗ, tiếng Anh, quản lý kinh tế, sử dụng búa, cưa cung, cưa xăng, tời vận xuất gỗ… Để có cơ sở thực hành, thực tập nghề, năm 1982 nhà trường có tờ trình đề nghị và được UBND tỉnh Vĩnh Phú giao cho quản lý 500 ha đất, rừng thuộc Lâm trường Đoan Hạ, trên địa bàn 3 xã Quế Lâm, Tây Cốc, Phương Trung, huyện Đoan Hùng để thành lập Trại thực nghiệm lâm sinh, làm nơi thực hành, thực tập, rèn nghề lâm sinh, kết hợp với lao động, tăng gia sản xuất trồng trọt và chăn nuôi. Sau 10 năm thành lập, nhà trường đã cơ bản đào tạo đáp ứng nguồn CNKT cho vùng nguyên liệu giấy, được Bộ Lâm nghiệp và Công trình Nhà máy giấy Bãi Bằng đánh giá cao.
–  Giai đoạn từ năm 1986 đến năm 1995
Năm 1986 Hội đồng Bộ trưởng có Nghị địnhh số 11/HĐBT ngày 04/02/1986  thành lập Liên hiệp các xí nghiệp sản xuất và dịch vụ nguyên liệu giấy Vĩnh Phú, trong cơ cấu tổ chức liên hiệp có trường CNKT, từ đó trường được giao về trực thuộc Liên hiệp các xí nghiệp nguyên liệu giấy Vĩnh Phú và đổi tên là Trung tâm đào tạo Lâm nghiệp Vĩnh Phú. Trực thuộc cơ sở sản xuất kinh doanh, trong thời kỳ bao cấp là mô hình tổ chức mới, kinh phí đào tạo hạn chế, quy mô đào tạo của nhà trường bị thu hẹp, hoạt động của nhà trường gặp nhiều khó khăn, nhiều cán bộ giáo viên phải nghỉ việc hoặc xin chuyển công tác; trong bối cảnh đó Bộ Lâm nghiệp đã tạo điều kiện, tiếp tục cấp kinh phí cho nhà trường hoạt động.
Trong 3 năm từ 1988 đến năm 1990 nhà trường có dự án nâng cấp, do Chính phủ Thụy Điển tài trợ, trang thiết bị được bổ sung thêm, đội ngũ giáo viên được đào tạo chuyên môn và nghiệp vụ sư phạm, thăm quan học tập trong nước và nước ngoài, hoàn thành việc biên soạn, in ấn một bộ 6 giáo trình đào tạo công nhân kỹ thuật lâm nghiệp, đưa vào giảng dạy, được đánh giá cao. Trong giai đoạn từ năm 1991 đến năm 1995 một bộ phận cán bộ, giáo viên của nhà trường được điều động về Văn phòng Liên hiệp các xí nghiệp nguyên liệu giấy Vĩnh Phú để quản lý Dự án đào tạo lâm nghiệp, một trong 9 dự án thuộc Chương trình hợp tác lâm nghiệp Việt Nam – Thụy Điển. Từ một Ban quản lý dự án thuộc văn phòng Liên hiệp, phát triển lên thành Trung tâm Đào tạo và Phát triển nhân lực lâm nghiệp trực thuộc Liên hiệp, đến năm 1995 chuyển đổi thành Trung tâm Đào tạo Phát triển nông thôn theo quyết định của Bộ. Kết quả còn lại của Dự án đào tạo lâm nghiệp là sự hoạt động năng động, mô hình đào tạo ngắn hạn, khuyến nông và cơ sở vật chất của Trung tâm Đào tạo Phát triển nông thôn trực thuộc nhà trường hiện nay. Mặc dù quy mô đào tạo giai đoạn này bị thu hẹp nhưng các hoạt động đào tạo ngắn hạn phát triển đa dạng, phong phú, đội ngũ giáo viên của nhà trường có nhiều cơ hội tiếp cận phương pháp dạy học tiên tiến, nhiều giáo viên được cử đi học tập trong nước và nước ngoài là tiền đề để phát triển nhà trường trong giai đoạn kế tiếp.
– Giai đoạn từ năm 1995 đến năm 2010
Để khắc phục những khó khăn do cơ chế tổ chức và đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đào tạo công nhân kỹ thuật vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, Bộ Lâm nghiệp ban hành Quyết định số 254 ngày 24/4/1995 đưa trường về trực thuộc Bộ với tên gọi cũ là Trường CNKT Lâm nghiệp TW IV. Từ đó nhà trường bắt đầu có dự án đầu tư xây dựng cơ bản, lớp học, xưởng trường, ký túc xá từng bước được kiên cố hóa; đội ngũ giáo viên được bổ sung, quy mô và cơ cấu nghề đào tạo được tăng lên.
Thực hiện Luật dạy nghề, chuyển từ đào tạo CNKT sang đào tạo trung cấp nghề, ngày 12 tháng 4 năm 2007 Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 1033/QĐ-BNN-TCCB thành lập Trường Trung cấp nghề Cơ điện và Nông lâm Phú Thọ trên cơ sở Trường CNKT Lâm nghiệp TW IV. Nhà trường thực hiện nhiệm vụ đào tạo nghề trình độ trung cấp và sơ cấp các lĩnh vực điện, cơ khí, nông lâm nghiệp; bồi dưỡng kỹ năng và phổ cập nghề cho người lao động. Sau khi chuyển sang đào tạo nghề trình độ trung cấp quy mô tuyển sinh tăng dần, số nghề đào tạo được bổ sung thêm.
Từ năm 2005 đến năm 2010 nhà trường là một trong 9 trường trực thuộc Bộ được Chính phủ Hà Lan tài trợ trong Chương trình VocTech, nhiều giáo viên được đào tạo bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng, phương pháp, bổ sung thêm trang thiết bị dạy nghề. Được sự chỉ đạo của Bộ, năm 2008 nhà trường tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2009 – 2015, tầm nhìn đến năm 2020; chiến lược được Hội đồng của Bộ thẩm định, Bộ trưởng ban hành Quyết định phê duyệt. Chiến lược phát triển trường là văn bản quan trọng và định hướng lớn để phát triển nhà trường.
– Giai đoạn từ năm 2010 đến nay
Cùng với sự nỗ lực phấn đấu của nhà trường, sự quan tâm của Nhà nước, cơ sở vật chất của nhà trường được đầu tư đổi mới; đội ngũ giáo viên được bổ sung, tăng cường về số lượng và chất lượng, nhà trường đã hội tụ được những điều kiện để nâng cấp thành trường cao đẳng nghề. Được sự chấp thuận của Bộ, năm 2009 nhà trường xây dựng Đề án thành lập Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Phú Thọ, được Hội đồng của các bộ, ngành thẩm định. Ngày 11/2/2010 Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Quyết định số 228/QĐ-BLĐTBXH thành lập Trường Cao đẳng nghề Công nghệ và Nông lâm Phú Thọ, trên cơ sở nâng cấp Trường Trung cấp nghề Cơ điện và Nông lâm Phú Thọ. Từ khi nâng cấp thành trường Cao đẳng nghề đến nay, diện mạo của nhà trường có nhiều đổi mới, cơ sở vật chất được tăng cường, đội ngũ nhà giáo được bổ sung nhanh về số lượng, được đào tạo bồi dưỡng nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ và kỹ năng nghề. Hiện nay nhà trường đang đào tạo nghề quy mô 2.500 HSSV, hoạt động đào tạo gồm 8 nghề cao đẳng, 13 nghề trung cấp, trong đó có 3 nghề trọng điểm quốc gia và 10 nghề sơ cấp. Cơ cấu tổ chức gồm 6 phòng, 5 khoa, 1 bộ môn và 4 trung tâm; biên chế và hợp đồng là 127 cán bộ, giáo viên, đảm bảo đạt chuẩn quy định và đáp ứng tốt nhiệm vụ đào tạo; cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cơ bản đáp ứng được quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo.2. Những thành tích nổi bật
45 năm thực hiện nhiệm vụ dạy nghề, dạy người, mặc dù ngành nghề nông nghiệp không có sự hấp dẫn cao, đối tượng học nghề chủ yếu là học sinh nông thôn, trung du, miền núi, điều kiện kinh tế nhiều khó khăn, song các thế hệ thầy và trò nhà trường đã nỗ lực cố gắng vươn lên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Những thành tích nổi bật của nhà trường trong 40 năm qua được thể hiện trên các mặt sau đây:
– Về thực hiện nhiệm vụ đào tạo
Nhà trường đã luôn bám sát nhiệm vụ chính trị là đào tạo nhân lực kỹ thuật nông nghiệp cho địa bàn trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong cơ cấu nghề của nhà trường hiện nay số nghề nông nghiệp chiếm 2/3 tổng số nghề; số học sinh học nghề nông nghiệp chiếm 3/4 số học sinh tuyển hàng năm. Kết quả đào tạo sau 40 năm nhà trường đã đào tạo được 40.990 HSSV. Trong đó 250 SV cao đẳng nghề, 1.771 HS trung cấp nghề, 15.954 công nhân kỹ thuật, 23.015 học viên sơ cấp và bồi dưỡng thường xuyên. Liên kết đào tạo 4.309 trung cấp kỹ thuật và đại học. Nhiều HSSV của nhà trường đạt giải cao tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, cấp bộ và quốc gia. Số học sinh, sinh viên được đào tạo đã trở thành công nhân, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý, chủ trang trại tại các địa phương, góp phần tích cực vào phát triển KT-XH, nông nghiệp, nông thôn tỉnh Phú Thọ, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
– Về hoàn thiện tổ chức, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý
Cơ cấu tổ chức nhà trường không ngừng được củng cố, hoàn thiện; đội ngũ cán bộ, nhà giáo được quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, đáp ứng yêu cầu tổ chức, thực hiện nhiệm vụ của từng giai đoạn phát triển. Từ 16 cán bộ, giáo viên, 3 phòng và 2 tổ chuyên môn khi mới thành lập, đến nay nhà trường có 16 đơn vị trực thuộc với tổng số 145 cán bộ, giáo viên, CNV; 35% giáo viên có trình độ thạc sỹ, 15% giáo viên đang học cao học, trong đó có 3 giáo viên nghiên cứu sinh. Đội ngũ nhà giáo của nhà trường cơ bản đạt chuẩn quy định, có chuyên môn, kỹ năng nghề, tin học, ngoại ngữ, phương pháp dạy học để thực hiện việc đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo. Có 3 giáo viên vinh dự  được phong tặng danh hiệu nhà giáo ưu tú. Nhiều giáo viên đạt giải cao trong các kỳ Hội giảng cấp tỉnh và quốc gia.

– Về xây dựng cơ sở vật chất, thiết bị dạy nghề
Đi lên từ tranh, tre, nứa, lá, giấy dầu, ngày nay cơ sở vật chất đào tạo của nhà trường đã khởi sắc, khang trang, đồng bộ hơn. Cơ sở chính của nhà trường tại khu 2, xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ diện tích sử dụng 5,7 ha đã được xây dựng gồm hệ thống lớp học, ký túc xá, xưởng thực hành, thư viện, phòng học chuyên môn, tin học, ngoại ngữ, khu giáo dục thể chất, nhà điều hành. Có trên 30 xe ô tô tập lái, sân bãi tập lái liên hoàn đạt chuẩn quy định. Cơ sở vật chất tuy chưa thật đầy đủ, hiện đại nhưng đã cơ bản đáp ứng yêu cầu dạy học và nâng cao chất lượng đào tạo.
Trung tâm Đào tạo Phát triển nông thôn tại xã Phù Ninh, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ, diện tích  khuôn viên 3,0 ha; 16,0 ha trang trại, có thể đáp ứng quy mô đào tạo 300 HSSV là nơi đào tạo, bồi dưỡng ngắn hạn và đào tạo nghề lao động nông thôn.
Trại thực nghiệm Lâm sinh tại xã Quế Lâm, huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ với trên 300 ha rừng, chất lượng khá tốt có giá trị hàng chục tỷ đồng và đa dạng các mô hình  phục vụ thăm quan học tập: rừng cây đặc sản, rừng phòng hộ, rừng sinh thái, rừng sản xuất và sản xuất cây giống lâm nghiệp.
– Về hợp tác quốc tế
Nhà trường đã có sự hợp tác đào tạo rất hiệu quả với chuyên gia nước ngoài từ rất sớm trong Công trình Nhà máy Giấy Bãi Bằng, Chương trình Hợp tác Lâm nghiệp Việt Nam – Thụy Điển, Chương trình Phát triển nông thôn miền núi… Trong bối cảnh xu thế hội nhập ngày càng sâu rộng, nhà trường đã và đang tích cực mở rộng quan hệ hợp tác với một số tổ chức quốc tế, viện, trường ở các nước Thuỵ Điển, Trung Quốc, Hà Lan, Thái Lan, Philippin, Hàn Quốc. Trong các chương trình hợp tác đã tiếp nhận và sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí hỗ trợ để tăng cường cơ sở vật chất và đào tạo đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý phục vụ mục tiêu phát triển nhà trường.
3. Những phần thưởng cao quý
Những thành tích mà các thế hệ thầy và trò nhà trường có được trong 40 năm qua đã được xã hội ghi nhận và đánh giá cao, được Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương trao tặng nhiều phần thưởng cao quý:
– Huân chương Lao động hạng Ba (1998);
– Huân chương Lao động hạng Nhì (2004);
– Huân chương Lao động hạng Nhất (2009);
– Huân chương Lao động hạng Ba (TTĐT PTNT, 2002);
– 8 Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ;
– Cờ thi đua của Bộ Nông nghiệp và PTNT (năm học 2003-2004, 2008-2009).
Năm học 2013-2014 nhà trường vinh dự được Bộ Nông nghiệp và PTNT tặng cờ “Đơn vị xuất sắc”, dẫn đầu phong trào thi đua năm học và được Bộ công nhận danh hiệu “Tập thể lao động xuất sắc”; BCH Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam tặng bằng khen về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua lao động giỏi và xây dựng tổ chức công đoàn trong sạch vững mạnh; Chủ tịch UBND tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong công tác giáo dục đào tạo; Tỉnh đoàn Phú Thọ tặng cờ “Đơn vị xuất sắc” công tác đoàn và phong trào thanh niên 5 năm 2010-2014.
Đạt được thành tích và những phần thưởng như đã nêu, công lao trước hết thuộc các thế hệ thầy giáo, cô giáo, CBCNV và HSSV nhà trường đã liên tục nỗ lực, khắc phục khó khăn, phấn đấu “Dạy tốt – Học tốt ” và sự quan tâm lãnh đạo, giúp đỡ có hiệu quả của các bộ ngành Trung ương, mà trực tiếp là của Bộ Nông nghiệp và PTNT, các cấp ủy đảng, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ.
Nhân dịp này Đảng ủy, Ban Giám hiệu nhà trường trân trọng gửi lời tri ân đến các thế hệ thầy giáo, cô giáo, CBCNV và HSSV những người đã đóng góp công sức, trí tuệ vào sự phát triển của nhà trường.
Nhà trường xin trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo, chỉ đạo và quan tâm của Lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và PTNT, của các Tổng cục, các Cục, Vụ chức năng của Bộ. Cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội và Tổng cục dạy nghề.
Chúng tôi xin trân trọng cảm ơn Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Phú Thọ, các sở, ban, ngành của tỉnh, các đoàn thể và nhân dân các dân tộc tỉnh Phú Thọ; cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thị xã Phú Thọ, huyện Đoan Hùng, huyện Phù Ninh; cấp ủy, chính quyền và nhân dân các xã Hà Lộc, Phù Ninh, Quế Lâm nơi các cơ sở nhà trường đóng quân đã giúp đỡ, tạo điều kiện thuận lợi để nhà trường hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
4. Mục tiêu, định hướng phát triển trong thời gian tới
Phát huy truyền thống tốt đẹp 40 năm xây dựng và phát triển, trong thời gian tới nhà trường cần tiếp tục quán triệt sâu sắc Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 04/11/2013 Hội nghị lần thứ 8, Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế; đẩy mạnh thực hiện toàn diện, đồng bộ Chiến lược phát triển trường giai đoạn 2009-2015, tầm nhìn đến năm 2020 đã được phê duyệt điều chỉnh, bổ sung năm 2013; phấn đấu đạt trường chuẩn quốc gia vào năm 2020, đào tạo nhân lực nông nghiệp chất lượng cao cho ngành, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.
Để đạt được mục tiêu, định hướng phát triển trong thời gian tới, nhà trường tập trung thực hiện tốt các nội dung sau:
1) Thực hiện nhiệm vụ đào tạo đảm bảo ổn định quy mô và chất lượng, chú trọng tổ chức đào tạo các nghề nông nghiệp gắn với vùng sinh thái và các Chương trình tái cơ cấu ngành, Chương trình xây dựng nông nông thôn mới và Chương trình dạy nghề cho lao động nông thôn.
2) Đào tạo bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đạt chuẩn và trên chuẩn; chú trọng bồi dưỡng phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, kỹ năng nghề và kinh nghiệm thực tiễn, thành thạo tổ chức bài dạy tích hợp, vững về tin học, ngoại ngữ.
3) Đổi mới phương pháp đánh giá kết quả đào tạo, đảm bảo công khai, minh bạch, khách quan; tăng cường năng lực công tác khảo thí và kiểm định chất lượng để làm tốt công tác đánh giá kết quả đào tạo, tự kiểm định chất lượng trường và các nghề đào tạo.
4) Đảm bảo các chương trình đào tạo, các môn học, mô đun có giáo trình được các bộ ban hành hoặc nhà trường biên soạn, thẩm định, ban hành; có cơ sở học liệu phong phú cho nhiệm vụ dạy và học.
5) Đa dạng nguồn thu và tiết kiệm chi hợp lý để có thêm  kinh phí  bổ sung cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy nghề; gắn kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để dự báo nhu cầu lao động, làm tốt công tác tư vấn học nghề, việc làm, tổ chức thực tập nghề nghiệp cho HSSV.
6) Tăng cường công tác quản lý, điều hành, đánh giá chất lượng công việc; thực hiện tốt quy chế dân chủ, đảm bảo kỷ cương, kỷ luật lao động; tổ chức tốt phong trào thi đua “Dạy tốt – Học tốt”; đẩy mạnh các hoạt động sản xuất, dịch vụ để tăng thu nhập, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, viên chức, lao động.
7) Tiếp tục thực hiện hợp tác có hiệu quả với các tổ chức quốc tế, các viện, trường nước ngoài trong tiếp nhận đầu tư, tài trợ, chuyển giao công nghệ, phát triển chương trình, giáo trình, bồi dưỡng nhà giáo, cán bộ quản lý nhằm nâng cao chất lượng dạy nghề và quản lý đào tạo.
8) Xây dựng tổ chức đảng, đoàn thể  trong sạch, vững mạnh; tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên, viên chức, lao động; tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Chỉ thị 03-CT/TW ngày 14/5/2011 của Bộ Chính trị khóa XI về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh; Nghị quyết số 12-NQ/TW Hội nghị BCH Trung ương lần thứ 4 khóa XI: một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay; Quán triệt, thực hiện Chỉ thị số 36-CT/TW ngày 30/5/2014 của Bộ Chính trị và các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn của Tỉnh ủy, Thị ủy về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; chuẩn bị chu đáo, nghiêm túc và tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ nhà trường lần thứ XV nhiệm kỳ 2015-2020.
5. Kết luận
45 năm xây dựng và phát triển của nhà trường nếu so với lịch sử của một đất nước, một dân tộc là rất ngắn ngủi, song với một cơ sở đào tạo lại thật nhiều ý nghĩa. Trên chặng đường đó, bao thế hệ thầy và trò nhà trường đã nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức để thực hiện sứ mệnh dạy nghề, dạy người. Quá trình phát triển của nhà trường 40 năm qua với nhiều giai đoạn khác nhau, song có thể khẳng định giai đoạn nào nhà trường cũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao; luôn bám sát nhiệm vụ chính trị là đào tạo nhân lực cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển rừng, phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Kỷ niệm truyền thống 40 năm thành lập, chúng ta ôn lại, trân trọng quá khứ và tri ân các thế hệ đi trước; thầy và trò nhà trường hôm nay cần phải phát huy truyền thống tốt đẹp đã có để xây dựng và phát triển trường lên tầm cao mới. Trong giai đoạn phát triển mới, nhà trường luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước, sự lãnh đạo và quan tâm của các bộ ngành Trung ương, trực tiếp của Bộ Nông nghiệp nghiệp và PTNT, của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Phú Thọ, cùng với quyết tâm, nỗ lực phấn đấu vươn lên của toàn thể cán bộ, viên chức chắc chắn nhà trường sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp chất lượng cao cho ngành, vùng trung du và miền núi Bắc Bộ, tiếp nối truyền thống vẻ vang của nhà trường 40 năm qua./.